linh_vat

DANH MỤC SẢN PHẨM

Tin tức Tin tức công nghệ Máy tính chơi game Máy tính Workstation Review sản phẩm Máy tính văn phòng Tin khuyến mãi Tuyển dụng Dịch vụ IT văn phòng Dự án văn phòng Thông tin hoạt động

Nhìn lại Ryzen 7 5800X – Lý tưởng cho Youtuber chơi game và sáng tạo nội dung

1527 Views -

Ryzen 7 5800X thuộc thế hệ 5000 Series của AMD, tuy nhiên đây mới là lần nâng cấp lớn thứ 3 của hãng với kiến trúc “Zen 3” và cũng là mới nhất hiện tại. Vào thời điểm ra mắt, Ryzen 5000 Series đã được nhiều người dùng và chuyên gia đánh giá là CPU chơi game tốt nhất trên thị trường. Không chỉ vậy, việc liên tục đứng top Best Seller tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu là bảo chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ cũng như sự tin tưởng của người dùng đối với dòng vi xử lý này. Hãy cùng nhìn lại Ryzen 7 5800X vào đầu năm 2022, CPU được đánh giá là cân bằng giữa hiệu năng, giá trị và đáng lựa chọn trong dòng vi xử lý này.

Kiến trúc “Zen 3” – Bước tiến vượt bậc

Không giống như khi nâng cấp từ “Zen” lên “Zen 2” với những thay đổi rõ rệt có thể nhìn thấy trên thông số, “Zen 3” tập trung chủ yếu vào cải thiện bên trong kiến trúc, trong đó phải kể tới IPC tăng đến 19% theo như hãng công bố và tổng bộ nhớ đệm L3 dù giữ nguyên nhưng dung lượng mỗi nhân có thể truy cập tăng gấp đôi lên 32MB. Hai yếu tố khiến cho hiệu suất đơn luồng của Ryzen 5000 Series được cải thiện vượt bậc gần 20% so với thế hệ trước cũng như các dòng CPU khác. Thậm chí còn phải ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng chúng vẫn được sản xuất trên tiến trình 7nm và xung nhịp gần như khác biệt rất nhỏ so với Ryzen 3000 Series.

Cụ thể với Ryzen 7 5800X có 8 nhân/16 luồng, xung nhịp mặc định 3.8/boost 4.7 GHz, bộ nhớ đệm L2+L3 tổng 36 MB, TDP mặc định 105W. Về cấu hình trải nghiệm, bao gồm bo mạch chủ Gigabyte X570 AORUS PRO, bộ nhớ RAM 32GB DDR4-3200 và card đồ họa Radeon RX 6800 XT.

Mạnh mẽ khi chơi game

Trải nghiệm một số tựa game phổ biến hiện tại, bao gồm cả game AAA và game Esports, cả game mới nhất cũng như các game cũ hơn. Với Radeon RX 6800 XT cũng là một card đồ họa mạnh mẽ của thế hệ hiện tại, có thể thiết lập “Max Setting” toàn bộ các tựa game, đồng thời chơi game ở độ phân giải 1080p để kiểm tra hiệu suất của CPU.

Với bất kỳ tựa game AAA nào với đồ họa tiên tiến hiện tại, Ryzen 7 5800X đều không gặp khó khăn, đặc biệt ở độ phân giải thấp như 1080p khi mà vấn đề nghẽn hiệu năng từ CPU thấy được rõ ràng nhất. Với số khung hình đều đạt hơn 100 ở các tựa game nặng cùng thiết lập đồ họa Cao nhất, chắc chắn con chip này sẽ gánh rất tốt các tựa game trong tương lai, yếu tố còn lại là bạn chỉ cần trang bị thêm card đồ họa đủ sức đáp ứng. So với Ryzen 7 3800X thế hệ trước, 5800X cho hiệu suất tốt hơn trung bình trên các tựa game gần 25%. Đây là bước tiến mà có lẽ các thế hệ CPU sau này cũng cần phải cải thiện rất nhiều mới có thể vượt qua.

Tương tự khi chơi các tựa game Esports, FPS luôn duy trì cao trên 100. Những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất như CS:GO, Rainbow Six Siege, Apex Legends dễ dàng vượt qua mức 200 FPS ngay cả ở thiết lập đồ họa cao nhất. Các game thủ chuyên nghiệp có thể tự tin “try hard” khi kết hợp cùng các màn hình tần số quét cao 144 hay 240Hz trở lên. Thậm chí một tựa game “có tiếng” là tối ưu không quá tốt như PUBG cũng đạt mức FPS rất cao ngay cả ở những tình huống “chạy bo cuối” căng thẳng.

Đa dụng khi sáng tạo nội dung

Với một CPU có tới 8 nhân 16 luồng, rõ ràng Ryzen 7 5800X còn hướng tới những tác vụ chuyên sâu hơn việc chơi game. Nhu cầu công việc của người dùng là rất đa dạng, vì vậy trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ xem xét chủ yếu hiệu suất trên các tác vụ sáng tạo nội dung khá phổ biến hiện nay.

CINEBENCH R23 là một trình benchmark dựa trên công cụ render 3D của phần mềm Cinema 4D, kiểm tra hiệu suất đa nhân của CPU. Ryzen 7 5800X đạt mức điểm đa nhân khoảng 15300 điểm, điểm đơn nhân khoảng 1600 điểm.

7-Zip là phần mềm quản lý file nén nổi tiếng và phổ biến bởi nó hoàn toàn miễn phí. Sử dụng công cụ benchmark tích hợp với tùy chọn Dictionary size 32 MB, 5800X cho kết quả tốc độ nén khoảng 68700 KB/s, tốc độ giải nén khoảng 1238800 KB/s. Đây là kết quả rất ấn tượng khi so sánh với ngay cả những CPU từ hãng khác có số nhân/luồng cao hơn. Ryzen nói chung vẫn đang duy trì được ngôi vương trong tác vụ này.

Tiếp theo là Corona Benchmark, một công cụ đánh giá hiệu suất render 3D quen thuộc. Ryzen 7 5800X hoàn thành bài test nhanh chóng chỉ với 92 giây.

Chuyển đến bộ phần mềm sáng tạo nội dung của Adobe, mở màn bằng Photoshop, phần mềm chỉnh sửa hình ảnh nằm lòng của mọi designer. Sử dụng công cụ đánh giá hiệu suất Puget Bench cho phép chạy tự động thực tế các tác vụ chỉnh sửa hình ảnh của người dùng. 5800X đạt 1172 điểm, nếu so sánh với các CPU Ryzen 9 5900X hay 5950X thì không hề thua kém quá nhiều bởi Photoshop không phải phần mềm tận dụng quá nhiều số nhân/ luồng. Nếu xét về tính kinh tế, rõ ràng lựa chọn 5800X mang lại giá trị tốt hơn trong phần mềm này.

Premiere Pro có lẽ là phần mềm được giới Youtuber cũng như những người làm sáng tạo nội dung video sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tương tự sử dụng công cụ Puget Bench để chạy các tác vụ tự động khi chỉnh sửa và xuất video. Ryzen 7 5800X cho kết quả điểm tổng thể Standard và Extended Overall đều hơn 800 điểm. Với điểm số này, hoàn toàn có thể chỉnh sửa các video 4K H.264 và H.265 mượt mà, khung hình trong quá trình Live Playback đều đạt tối thiểu trên 60 FPS.

Sáng tạo nội dung thì không thể thiếu công việc thiết kế animation với phần mềm After Effects. Quá trình trải nghiệm hoàn toàn mượt mà và không gặp khó khăn nào trên Ryzen 7 5800X. Điểm số cho ra tuy không phải là cao nhất trong các bộ xử lý hiện tại, nhưng vẫn đứng trong top những bộ xử lý tốt nhất để làm việc cùng phần mềm này.

Hiệu quả điện năng ấn tượng

Thử Stress Test với AIDA64, cho bật cả AVX, CPU, FPU và Cache. Ryzen 7 5800X duy trì ở 95W với thiết lập mặc định, ngay cả kích hoạt PBO để tăng xung nhịp và điện năng tiêu thụ cao hơn thì CPU cũng chỉ ăn tối đa 105W. Nếu sử dụng một số tác vụ nặng hơn như render video, render 3D hoặc AVX rất nặng thì mức điện năng tiêu thụ cũng chỉ tối đa 120 – 140W. Những con số này thậm chí tương đương với thế hệ trước, nếu xét trên mức cải tiến của hiệu suất và xung nhịp cao hơn, thì Ryzen 7 5800X cũng như 5000 Series nói chung đã mang lại hiệu quả điện năng cực kỳ ấn tượng. Có thể đây không phải CPU mạnh mẽ nhất hiện tại nhưng hiệu quả khi sử dụng của nó thì vẫn thuộc hàng tốt nhất.

Vậy Ryzen 7 5800X còn mang lại những gì?

Nhìn tổng thể lại các kết quả về hiệu suất chơi game lẫn làm việc, Ryzen 7 5800X vẫn là một con chip rất mạnh mẽ và cao cấp ngay cả ở thời điểm hiện tại. AMD không chỉ tập trung vào hiệu năng mà còn là hiệu quả sử dụng với mức tiêu thụ điện năng ấn tượng. Nếu đam mê “vọc vạch”, bạn hoàn toàn có thể tối ưu con chip này tốt hơn với các tính năng có sẵn như Precision Boost Overdrive 2 hay Curve Optimizer để tăng cao hơn nữa mức hiệu năng nhận được.

Không chỉ vậy, xét về tính kinh tế, rõ ràng hệ thống Ryzen 7 5800X khi đi kèm bo mạch chủ AM4 như B550, X570 đã quá phổ biến và bộ nhớ RAM DDR4 đa dạng chủng loại, sẽ có chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều so với một hệ thống có bo mạch chủ và bộ nhớ RAM mới hoàn toàn trên thị trường.

Ngoài ra, về mặt năng cấp trong tương lai, với hệ thống có sẵn, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp lên các dòng CPU cao cấp hơn như Ryzen 9 5900X và 5950X với hiệu suất làm việc mạnh mẽ và đa năng hơn nhiều, hoặc Ryzen 7 5800X3D mới ra mắt với hiệu suất chơi game được đánh giá là tốt nhất hiện tại, trong khi hoàn toàn không cần thay mới những linh kiện khác như bo mạch chủ, bộ nhớ RAM, tản nhiệt CPU,…