linh_vat

DANH MỤC SẢN PHẨM

Tin tức Tin tức công nghệ Máy tính chơi game Máy tính Workstation Review sản phẩm Máy tính văn phòng Tin khuyến mãi Tuyển dụng Dịch vụ IT văn phòng Dự án văn phòng Thông tin hoạt động

Đánh giá hiệu năng thực tế của CPU Intel Core i9-13900K, nhanh hơn 40% thế hệ tiền nhiệm

916 Views -

Flagship CPU Intel Core i9-13900K Raptor Lake đã được ra mắt vào Quý 4 năm nay và mở bán chính thức tại Việt Nam từ ngày 21/10 mới đây. CPU i9-13900K sở hữu các thông số ấn tượng với 24 nhân 32 luồng, xung nhịp đơn nhân lên tới 5,8Ghz. Core i9-13900K là "tân vương" mới của đội xanh, thay thế người tiền nhiệm Core i9-12900K, hướng đến phân khúc người dùng cần giải pháp CPU hiệu năng cao cho các công việc phức tạp trên hệ thống PC.

Cấu hình sử dụng để kiểm tra hiệu năng CPU Intel Core i9-13900K

Để đánh giá hiệu năng thực tế của CPU Core i9-13900K và những vấn đề xung quanh như công suất, nhiệt độ trong quá trình sử dụng với phần mềm đồ họa, Minh An Computer đã trực tiếp kiểm tra, phân tích. Từ đó, người dùng có thể đưa ra những lựa chọn và cân nhắc trong việc lựa chọn linh kiện phù hợp với nhu cầu. 

Chi tiết cấu hình bộ máy: 

  • CPU INTEL Core i9 13900K (24 nhân 32 luồng | 36MB Cache | 125W) - Socket LGA1700
  • Mainboard GIGABYTE GA-Z690 AERO G
  • RAM Desktop CORSAIR Dominator Platinum Rgb White 64GB (4x16GB) DDR5 5600MHz
  • Ổ cứng SSD WESTERN SN850X-NVMe 1TB M.2 2280 (WDS100T2X0E)
  • VGA GIGABYTE GeForce RTX 3080 Vision OC (GV-N3080VISION OC-10GD)
  • Nguồn COOLERMASTER Mwe Gold 1050 V2 - Full Modular
  • Vỏ Case LIAN-LI PC-O11 Dynamic Evo White (Mid Tower/Màu Trắng)
  • Tản nhiệt nước NZXT Kraken Z73 RGB WHITE- 360mm (RL-KRZ73-RW)

Hình ảnh bộ case lắp thực tế

(Hình ảnh bộ case lắp thực tế)

Kết quả kiểm tra hiệu năng CPU Intel Core i9-13900K

Test Cinebench R23

Minh An Computer đã sử dụng công cụ Cinebench R23 thể benchmark để kiểm tra độ ổn định. Phần mềm này mô phỏng gần như chính xác quá trình sử dụng thực tế của người dùng trên hầu hết các phần mềm đồ họa hiện tại.

  • Trường hợp 1, hệ thống chạy với option Default Bios, đơn giản là chỉ cắm mọi thứ lên và chạy. Kết quả VRM bơm vào cho CPU chạy ở giá trị Power Limit 330w, hiệu năng đạt cao nhất với 39.151 điểm R23, nhiệt độ CPU ở mức 100 độ C.

(Kết quả test ở Default Bios)

  • Trường hợp 2, đặt giá trị Maximum Turbo Power về mức 253W như Intel khuyến nghị. Kết quả là vi xử lí mát hơn, ngốn ít điện hơn nhưng hiệu năng cũng giảm tương đối về mốc 36.543 điểm, nhiệt độ CPU là 84 độ C. Trong trường hợp này, chúng ta đánh đổi 7% hiệu năng để giảm 16 độ C (so với Default Bios). Có vẻ như Intel đã cân bằng được yếu tố hiệu năng và công suất tỏa nhiệt ở ngưỡng 253W này.

(Kết quả test với Power Limit 253W)

  • Điểm tối ưu của điện năng, nhiệt độ và hiệu năng (đối với mainboard, bản BIOS hiện tại (ver F20b) và tản nước Z73 trong hệ thống đang chạy) có lẽ là 280W với mức điểm 37.332 và nhiệt độ CPU ở mức 90 độ. Trong trường hợp này, người dùng chỉ phải đánh đổi 5% hiệu năng (so với Default Bios) để có nhiệt độ mát hơn 10 độ C, an toàn và hiệu quả hơn cho hệ thống render của mình.
  • So sánh với người tiền nhiệm i9-12900K, hoàn thành bài test Cinebench R23 với 26.603 điểm và 243W TDP. Có thể thấy, hiệu năng thuần của 13900K đã hơn khoảng 40% so với thế hệ trước. Tản nhiệt được sử dụng là Tản nhiệt nước ASUS Rog Ryujin 360. Với mức 253W của Intel khuyến nghị (gần như bằng với mức load của 12900K) người dùng vẫn được tận 37% hiệu năng và có vẻ như Intel đã làm rất tốt khoản tản nhiệt cho CPU thế hệ mới của mình.

(CPU Intel Core i9-12900K ở TDP 243W)

(Kết quả test với Power Limit 280W)

Test trong ứng dụng Blender

Tiếp tục kiểm tra CPU Core i9-13900K với một dự án thực tế trong ứng dụng Blender (Blender 3.3.1) file Classroom.

  • Vẫn là Default Bios với 330w, thời gian hoàn thành bài render là 143s, CPU vẫn giữ ở mức nhiệt 100 độ C.

(Kết quả trong Blender với Default Bios)

  • Trường hợp 2 với mức Power Limit được điều chỉnh về 280W thì thời gian render là 149s, chênh lệch khoảng 5% và mức nhiệt vô cùng lí tưởng 91 độ C giống như bài test Cinebench.

(Kết quả trong Blender với Power Limit 280W)

Test trong Vray

Một ứng dụng kết xuất hình ảnh vô cùng phổ biến nữa mà người dùng làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa cũng dùng, đó là Vray. Hiệu năng và nhiệt độ ở hai mức setting cũng cho một kết quả tương đồng với hai bài test trên.

  • Ở Default Bios cấp cho CPU trong Vray là 310w (thấp hơn một chút so với Cinebench R23 và Blender) thì nhiệt độ CPU có cải thiện về 97 độ C và số điểm benchmark là 26.052.

(Kết quả trong Vray ở Default Bios)

  • Ở giới hạn 280W Power Limit chúng ta có 25.545 điểm và mức nhiệt 90 độ. Có thể thấy lúc này độ chênh lệch rút ngắn lại chỉ khoảng 3% hiệu năng và nhiệt độ chênh lệch 7 độ C.

(Kết quả trong Vray ở Power Limit 280W)

Đánh giá hiệu năng CPU Intel Core i9-13900K

Có thể thấy CPU Intel Core i9-13900K là con "quái vật" hiệu năng ở thời điểm hiện tại. Đương nhiên, hiệu năng cao thì con chip cũng ngốn tương đối nhiều điện và đòi hỏi người dùng phải chuẩn bị sẵn bộ tản nhiệt ở mức trung bình khá trở lên. Khi ra mắt thì Bios của các hãng cũng sẽ có sự cân đối điện năng khác nhau nên hiệu năng cũng có sự khác nhau đôi chút, nhưng về cơ bản người dùng có thể dễ dàng tinh chỉnh về mức tối ưu, bằng cách giới hạn giá trị Power Limit trong Bios. Với mỗi hệ thống mainboard, CPU, tản nhiệt  khác nhau, người dùng có thể tự tìm ra điểm tối ưu cho hệ thống của mình, bằng cách thử nghiệm với các giá trị khác nhau xoay quanh 280W như Minh An Computer đã test. Từ đó, tối ưu hóa hệ thống của mình và sử dụng lâu dài như một cỗ máy render hiệu năng cao trên những chiêc pc gaming của mình.

Với game thủ, hiệu năng gaming của i9-13900K là không cần bàn cãi, với xung nhịp đơn nhân cực cao của P-core lên đến 5.8Ghz. Với gaming thì CPU load sẽ không nhiều như lúc render nên sẽ chỉ ngốn đâu đó khoảng 100W điện đổ lại. Lúc này mức nhiệt với tản nhiệt nước NZXT Z73 sẽ khoảng dưới 80 độ C. Intel Core i9-13900K cũng hoàn toàn có thể ép xung ở mức 6Ghz một cách dễ dàng đối với người dùng Gaming phổ thông. Còn gì tuyệt hơn việc chơi game ở mức xung nhịp 6Ghz ngay tại nhà, con số mà cách đây vài năm mọi người chỉ xem trên mạng với những hệ thống OC chuyên dụng. Đối với đa phần các tựa game thì không bao giờ ăn hết 8 nhân nên trong trường hợp này mình đã tắt hết E-Core chỉ để lại 8 P-Core để dễ dàng đạt được con số 6Ghz nhất điều mà ai cũng có thể làm tại nhà.

(Ép xung i9-13900K ở mức cơ bản với P-core)

Tổng kết

Qua bài test trên, có thể nhận thấy rõ ràng sức mạnh khủng khiếp của CPU Intel Core i9-13900K thực sự xứng đáng với giá tiền của nó. Với sự nâng cấp vượt bậc của CPU Intel Core i9-13900K so với người tiền nhiệm, cả hiệu năng đơn nhân lẫn đa nhân thì thế hệ Raptor Lake nói chung và i9-13900K nói riêng chắc hẳn sẽ đánh bại mọi đối thủ trong tầm giá.